Kinh nghiệm trekking thác Hang Én khám phá vẻ đẹp của ‘chốn bồng lai’ giữa núi rừng Kon Chư Răng

15:46 15/07/2022

Hang Én – Thác K50 luôn là điểm đến tuyệt vời đối với dân xê dịch đam mê khám phá và trải nghiệm, vẻ đẹp của nơi này được ví như một “nàng tiên” ngủ quên chờ người đánh thức khiến bất cứ ai cũng phải mê đắm dù để chinh phục được phải trải qua vô vàn thử thách.

Trekking thác Hang Én đang là một trong những hoạt động hút khách bậc nhất ở Gia Lai, mặc dù nằm ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng vẻ đẹp tựa chốn bồng lai của nơi này vẫn luôn thôi thúc những tâm hôn đam mê xê dịch lên đường chinh phục. Đến với hành trình trekking thác Hang Én Gia Lai, bạn sẽ được trải qua những cung bậc cảm xúc khó quên và được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấn tượng của thắng cảnh nổi tiếng xứ đại ngàn.

Thác Hang Én ở đâu?

Thác hang Én nằm ở khu vực đầu nguồn của dòng sông Côn, giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Tuy nhiên thác vẫn nằm ở địa phận của huyện K’Bang của Gia Lai và thuộc khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 8KM.

Hang Én là một trong 8 thác nước đẹp của khu bảo tồn tuy nhiên, vẻ đẹp nơi này sẽ khiến bạn phải choáng ngợp và thổn thức.Chính bởi vẻ đẹp ấn tượng mà thời gian gần đây, trekking thác Hang Én đã trở thành hoạt động được nhiều du khách đặc biệt yêu thích khi đến Gia Lai.

Trekking thác Hang Én vào mùa nào?

Vì hành trình trekking thác Hang Én cực kỳ nhiều thử thách, nên để chuyến đi của bạn thuận lợi nhất thì chọn thời điểm bắt đầu hành trình luôn là một điều quan trọng. Thời tiết Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng được chia thành hai mùa rõ rệt và mùa mưa và mùa khô. Thời điểm lý tưởng nhất để trekking thác là mùa khô, nên chọn khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 là tuyệt nhất bởi lúc này, thác có diện mạo rất đẹp, thời tiết lại khô ráo, nhiều nắng ấm thuận tiện để di chuyển.

Bạn cũng có thể chọn các thời điểm khác, tuy nhiên hãy lưu ý xem thời tiết và lường trước sự khó khăn khi di chuyển vì nếu trời có mưa, đường sẽ rất lầy lội, di chuyển khó khăn.

Chuẩn bị trước khi trekking thác Hang Én

Khi đã chọn được thời điểm trekking phù hợp, bạn vẫn cần chuẩn bị thật chu đáo trước khi bắt đầu chuyến đi để có một hành trình trọn vẹn. Đầu tiên, hãy liên hệ trước với ban quản lý của khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng để được hỗ trợ xếp lịch cũng như hỗ trợ. Thường sau khi tiến hành đăng ký thì sẽ luôn có hai đồng chí kiểm lân được cử theo dẫn đoàn, đây là quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn.

Bạn cùng cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cá nhân, lều, túi ngủ, đồ ăn, thức uống, các loại thuốc hỗ trợ. Đặc biệt, luôn luôn chuẩn bị thuốc chống côn trùng, thuốc chống vắt vì trong rừng có khá nhiều vắt.

Về trang phục, tốt nhất hãy chuẩn bị các loại trang phục phù hợp với việc trekking, ưu tiên đồ dài, giày leo núi để thuận tiện di chuyển. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm một đôi dép lê để di chuyển ở nơi cắm trại.

Trekking thác Hang Én – hành trình về với “chốn bồng lai” giữa rừng già

Bạn có thể di chuyển đến thác Hang Én bằng hai cung đường chính là đi từ Gia Lai hoặc đi từ Bình Định. Từ Pleiku bạn cần di chuyển 80k để đến với thị xã An Khê và đi thêm 30km nữa để đến với huyện K’Bang. Từ trung tâm huyện K’Bang bạn sẽ tiếp tục di chuyển đến khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng với quãng đường 60km nữa. Nếu đi từ hướng Bình Định, bạn di chuyển đến địa phận của xã An Toàn, huyện An Lão, Bình Định rồi đi thêm 60km để đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Khi đến khu Bảo tồn, bạn sẽ được hướng dẫn thủ tục đăng ký, rồi cần vượt 12km đường rừng để đến khu vực tập kết là khu Trại Bò, một khu đồng cỏ lớn được người dân địa phương dựng lều làm nhà rẫy. Bật mí là quãng đường di chuyển đến Trại Bò rất nhiều dốc đứng và đường đi cũng tương đối khó nhằn.

Rời Trại Bò, bạn sẽ chính thức bước vào hành trình khám phá thiên nhiên tương đẹp của rừng già, cả quãng đường đến Hang Én tuy không quá dài nhưng tràn đầy những thử thách và vô vàn điều thú vị chờ đón. Đầu tiên bạn sẽ đi qua một con suối lớn, mùa khô nước sẽ không quá sâu và chảy rất hiền hòa. Tiếp đến là một đầm lầy với đầy những vạt cỏ dại, bạn cần cẩn thận nhìn đường vì chỉ sơ sẩy một chút thì có thể bị lún sâu.

Qua khỏi đầm lầy sẽ là hành trình xuyên rừng già lên thác, bạn sẽ đi qua những con lạch nước nhỏ chảy từ đỉnh núi xuống, những đoạn dốc dựng đứng, cheo leo và khúc khủy. Trên đường đi bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rừng già hoang vu với những gốc cây lớn, những loài sinh vật đặc trưng.

Đặc biệt, hành trình trekking thác Én sẽ thêm phần thú vị khi trên đường đi, bạn có thể sẽ bắt gặp những chú giun lớn, những con vắt, hay những loài hoa rừng, quả dại, những gốc cây sần sùi bám đầy các loài thực vật ký sinh. Càng đến gần đỉnh thác bạn sẽ càng nghe rõ tiếng nước đổ ầm dữ dội.

Thông thường các đoàn trekking sẽ cắm trại ở bên một bờ suối gần thác. Với trải nghiệm này, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác sống giữa rừng già đầy thi vị, ngắm bầu trời đầy sao, trò chuyện bên bếp lửa bập bùng và nước thịt, cá thưởng thức với hương vị hấp dẫn nhất. Đêm ở rừng già luôn mang đến cho bạn cảm giác bồi hồi, khó tả.

Sáng hôm sau, chỉ cần một chặng di chuyển ngắn bạn sẽ đến được với thác Hang Én, nơi sẽ mở ra trước mắt bạn khung cảnh tuyệt đẹp với một tầng thác rộng cao đến 54m. Nước chia thành nhiều tầng thác chảy mạnh, siết và tuôn theo chiều thẳng đứng.

Thác Hang Én (thác K50), là một dải nước dài cả chục mét đổ ầm ầm, dội thẳng vào vách đá tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Ngắm nhìn dòng thác buông mình đầy huy hoàng dưới nắng, bạn chắc chắn sẽ chẳng thể nào hối tiếng về hành trình trekking thác Hang Én đầy khó khăn vừa trải qua. Bạn có thể thoải mái chiêm ngưỡng thác nước từ dưới chân, nhìn qua làn bụi nước mờ ảo tựa chốn bồng lai với những ghềnh đá đủ hình thù, đắm mình dưới dòng nước trong veo, mát rượi hay leo lên đỉnh để ngắm một vùng rừng núi hoang vu tuyệt đẹp.

Hành trình trekking thác Hang Én tại Gia Lai chắc chắn sẽ là chuyến đi đầy cảm xúc, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những kỉ niệm không thể nào quên. Ở nơi đây, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và chạm vào kiệt tác thiên nhiên tuyệt sắc của rừng già tựa như lạc vào cõi mơ thần tiên.

Nguồn: luhanhvietnam

.
.
.
.